Ngày đăng : 17/12/2019 - 9:14 PM
Hơn 10 năm trước, anh Phan Văn Tứ đã thành lập Công ty TNHH một thành viên Kim Vĩnh Thắng đóng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, gia công phôi kim loại.

Anh Phan Văn Tứ kiểm tra sản phẩm van chữa cháy thành phẩm của doanh nghiệp. Ảnh:V.Gia

Như bị “nặng nợ” với nghề đúc gang, thép và hợp kim, 10 năm qua, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Kim Vĩnh Thắng Phan Văn Tứ luôn đặt hết tâm huyết để phát triển doanh nghiệp, đưa sản phẩm đúc của mình cung cấp cho các đối tác nước ngoài.

* Nỗ lực vượt khó

Anh Tứ cho hay, trước đây anh từng làm việc cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cùng ngành nghề. Càng làm, anh càng cảm thấy gắn bó với nghề đúc gang và các sản phẩm kim loại. Mong muốn làm chủ và tạo dựng nên thương hiệu riêng của mình, năm 2008, anh nghỉ việc và thành lập Công ty TNHH một thành viên Kim Vĩnh Thắng.

Buổi đầu khởi nghiệp với anh Tứ rất khó khăn, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp nên thường xuyên phải “bóc ngắn cắn dài” để tồn tại. Có những thời điểm, anh Tứ không thể xoay xở nổi tiền để trả lương cho công nhân duy trì hoạt động sản xuất, trong khi đầu ra của sản phẩm không được như mong muốn.

“Tiền mua vật liệu, sắt thép nguyên liệu cũng phải góp nhặt từng tí một, lắp chỗ nọ, đặt chỗ kia, tìm mọi cách chỉ để tồn tại” - anh Tứ chia sẻ về những ngày khó khăn ban đầu.

Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn thì kỹ thuật đúc cũng là một rào cản lớn phải vượt qua. Anh phải vừa làm vừa học hỏi thực tế để gia giảm cho sản phẩm đạt đến yêu cầu của khách hàng. Với một doanh nghiệp nhỏ, việc đầu tư hệ thống máy móc hiện đại gần như là không thể. Đơn cử với một bộ máy đúc tự động, toàn bộ dây chuyền thiết bị “ngốn” một số vốn từ 2-4 triệu USD, doanh nghiệp không kham nổi. Do vậy ở nhiều công đoạn, các doanh nghiệp đúc vẫn phải làm thủ công là chủ yếu.

Chính sự hạn chế này đã kéo theo việc doanh nghiệp lỡ các cơ hội hợp tác. Bởi nếu có vốn đầu tư công nghệ mới, chất lượng sản phẩm chuẩn hơn, bên cạnh đó vấn đề chăm lo cho người lao động cũng ổn định hơn. Những yếu tố này khi các đối tác nước ngoài tham quan dây chuyền sản xuất sẽ đánh giá cao về năng lực doanh nghiệp trong việc lựa chọn cơ hội hợp tác.

Vượt qua rất nhiều khó khăn trong hoạt động cũng như cải thiện chất lượng sản phẩm, đến nay, Công ty TNHH một thành viên Kim Vĩnh Thắng có năng lực sản xuất lên tới 150 tấn sản phẩm hàng hóa/tháng. Sản phẩm của công ty bán cho hơn 10 khách hàng thường xuyên là các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, các sản phẩm, chi tiết bằng gang xám, gang cầu, gang hợp kim, các sản phẩm bằng thép và thép hợp kim cũng xuất khẩu được sang thị trường Nhật Bản.

Ngoài các sản phẩm đúc bằng gang sử dụng trong ngành cấp nước, phòng cháy chữa cháy, gia công chế tạo khuôn mẫu và đúc, gia công các sản phẩm thuộc về gang thì công ty cũng có các sản phẩm nội thất. Tiêu biểu là hệ thống lan can, cầu thang, bàn ghế bằng nhôm đúc, cổng sắt, cổng nhôm... cung cấp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng.

* Hợp tác để “đôi bên cùng thắng”

Một khó khăn hiện nay đối với nghề đúc gang là sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng chủng loại của doanh nghiệp Trung Quốc. Trong khi các doanh nghiệp cơ khí, đúc gang của Việt Nam hầu hết đều ở quy mô nhỏ và vừa thì các đối thủ đến từ Trung Quốc có rất nhiều lợi thế. Do có nguồn tài nguyên tốt, nguyên liệu ổn định, lại có mối liên kết rộng nên sản phẩm đúc của các doanh nghiệp Trung Quốc giá thành khá rẻ. Chưa kể, chi phí sản xuất của doanh nghiệp Việt cao hơn, do đó giá thành sản phẩm tăng đáng kể.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp khi có nhu cầu về sản phẩm thường nhập hàng từ các doanh nghiệp Trung Quốc, nếu kéo dài, sẽ rất khó để cho doanh nghiệp cơ khí, chế tạo của Việt Nam phát triển và cạnh tranh về giá đối với các mặt hàng cùng chủng loại. Việc nhập hàng từ Trung Quốc có giá rẻ hơn và nhanh hơn nhưng lại khó kiểm soát được chất lượng. “Doanh nghiệp Việt Nam, đơn cử như Kim Vĩnh Thắng có nhà xưởng sản xuất tại chỗ, đội ngũ nhân công kinh nghiệm lâu năm nên có thể nhanh chóng gia giảm, cải tiến kỹ thuật theo đúng yêu cầu của khách, phù hợp với từng phân khúc. Giá bán tuy có cao hơn đôi chút nhưng chất lượng lại đảm bảo nên các doanh nghiệp sẽ cân nhắc nhập hàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung ứng nội phát triển” - Giám đốc Phan Văn Tứ chia sẻ.

Để khắc phục khó khăn nói trên, ngoài tập trung vào nâng chất lượng sản phẩm thì công ty đang kêu gọi nhà đầu tư góp cổ phần để tăng năng lực sản xuất. “Chúng tôi luôn mong muốn hợp tác được với đối tác lớn, có đầu ra ổn định và mối liên hệ với nguồn nguyên liệu. Từ đó Kim Vĩnh Thắng sẽ tập trung vào sản xuất, nâng cao chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp cơ khí phụ trợ, vật tư ngành nước…” - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Kim Vĩnh Thắng Phan Văn Tứ kỳ vọng.

 

Bài viết liên quan

Công Ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng

Tin tức

messenger